Các doanh nhân luôn phải mặt với những trở ngại ngay từ khi họ mới thức dậy bắt đầu một ngày mới: cố gắng đáp ứng các nhà đầu tư, đáp ứng biên chế, đối phó với các biến chứng bất ngờ hoặc giới thiệu một sản phẩm mới ra thị trường.
Nhiều người có thể sẽ gục ngã trước những trở ngại "khó nhằn" này nhưng cũng có không ít người có thể biến những bất lợi liên miên thành lợi thế của mình. Họ trở nên mạnh mẽ hơn, thành công hơn từ những trở ngại đó. Andy Grove, cựu Giám đốc điều hành của Intel, từng nhận xét, "Các công ty yếu sẽ bị phá hủy bởi khủng hoảng. Các công ty tốt vẫn sẽ tồn tại được trong khủng hoảng. Các công ty lớn mạnh thì ngày càng tiến bộ nhờ khủng hoảng".
Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã chế tạo ra một "công thức" để có thể lật ngược tình thế, tìm kiếm cơ hội trong rủi ro từ nhiều thế kỷ trước và tự viết nó như một lời nhắc nhở hàng ngày:
"Đánh giá khách quan, ngay tại thời điểm này.
Đừng hành động ích kỷ, ngay tại thời điểm này.
Sẵn sàng chấp nhận mọi thứ xảy ra, ngay tại thời điểm này.
Đó là tất cả những gì bạn cần".
Các nhà doanh nhân huyền thoại như John D. Rockefeller, Thomas Edison hay Steve Jobs đều sử dụng cùng một công thức này khi họ đối mặt với những trở ngại, thậm chí họ còn sử dụng những trở ngại này thành "bàn đạp" cho những tham vọng to lớn của mình. Đối với họ, trở ngại chính là một con đường.
1. Hãy luôn giữ bình tĩnh
John D. Rockefeller có thể đã trở nên chán nản và tê liệt bởi những tình huống không may mà ông phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng dầu năm 1857. Nhưng thay vì than khóc thời điểm biến động kinh tế, ông đã chọn cách chấp nhận và tiếp thu chúng như một cơ hội để học hỏi, trải nghiệm. Như ông đã từng nói, ông có thiên hướng nhìn thấy cơ hội trong mọi hiểm hoạ.
Trong vòng 20 năm kể từ cuộc khủng hoảng dầu đầu tiên, Rockefeller đã vươn lên kiểm soát gần như 90% thị trường dầu mỏ.
Giống như Rockefeller, nhiều doanh nhân ngày nay cũng phải sống trong thời kỳ biến động. Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, các công ty lớn như LinkedIn và Microsoft đều được thành lập trong khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, đừng lo được lo mất, đừng bận tâm đến đối thủ cạnh tranh, mà hãy luôn giữ bình tĩnh, tỉnh táo trước những áp lực và tìm kiếm những cơ hội mới trong rủi ro.
2. Nghĩ khác biệt
Steve Jobs vốn nổi tiếng với trường phái "bóp méo thực tế", thẳng tay bác bỏ những lời phát biểu như "Tôi không thể làm được". Không gì là không thể. Khi ông đặt làm chiếc kính đặc biệt cho chiếc iPhone đầu tiên, các nhà sản xuất đều rất kinh hãi trước một deadline đầy "hiếu chiến" như vậy.
"Đừng sợ", Jobs nói. "Bạn có thể làm được. Hãy nghĩ về nó. Bạn hoàn toàn có thể làm được".
Gần nửa đêm, các nhà sản xuất đã sử dụng những thiết bị của mình để làm ra một "con vật kếch sù" được làm từ mặt kính. Và trong vòng sáu tháng, họ đã làm đủ cho toàn bộ lần phát hành điện thoại đầu tiên. Sự khẳng định của Jobs đã thúc đẩy họ vượt xa những gì họ nghĩ là có thể.
Hãy giống như lãnh đạo của Apple, chúng ta phải có niềm tin vào khả năng của mình. Tin rằng chúng ta có thể làm một điều gì đó mà chúng ta nghĩ rằng là không thể trước đó. Đối với các công ty như Facebook và Google, trong những năm đầu mới khởi nghiệp, họ phải nghĩ ra những ý tưởng mà chưa ai từng thực hiện. Điều này cũng mang đến cho họ nhiều cơ hội để phát triển.
3. Bỏ qua những quy tắc không phù hợp
Samuel Zemurray, chủ sở hữu của một công ty nhỏ sản xuất hoa quả mới nổi, từng nói rằng ông không thể xây dựng cây cầu mà ông cần qua sông ở Trung Mỹ bởi các quan chức chính phủ đã bị United Fruit hối lộ, một trong những công ty mạnh nhất tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Vì vậy thay vì xây cầu, Zemurray đã cùng hai kỹ sư của mình xây dựng hai cầu tàu dài qua trung tâm dòng sông. Khi cần, họ sẽ bắc cầu phao tạm thời qua sông và có thể vận chuyển hàng qua con sông chỉ trong vài giờ. Khi United Fruit phàn nàn, Zemurray chỉ cười và trả lời, "Tại sao lại phàn nàn? Chúng tôi đâu có xây cầu. Đó chỉ là một bến tàu cũ". Chúng ta cũng có thể nhìn thấy kiểu hành xử khéo léo này trong các startup như Uber hay Tesla. Có những lúc chúng ta phải hành động táo bạo, phải lờ đi những quy định đã lỗi thời để có thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh của chúng ta. Cái gì làm được việc, cái đó sẽ đúng!
4. Dự liệu (suy nghĩ tiêu cực)
Có một "kỹ thuật" phổ biến được sử dụng bởi các doanh nhân thành đạt hay những startup thành công đó là phải biết phân tích và dự liệu. Điều này hoàn toàn không phải mới lạ gì nhưng chúng lại cực kỳ hữu ích cho doanh nghiệp của bạn.
Kế hoạch của chúng ta rất hiếm khi diễn ra giống với những gì chúng ta dự định và mong đợi. Với những nhà doanh nhân đi theo chủ nghĩa khắc kỷ Stoic, họ thường nghĩ đến tất cả những tình huống xấu nhất và sẽ không bị bất ngờ hay bối rối khi chúng bất chợt xảy đến. Một khi đã làm được việc này, chúng ta có thể vượt qua đối thủ cạnh tranh của mình - những người sẽ bị shock bởi tình huống bất ngờ và bị bỏ lại phía sau, bị đánh bại bởi những gì họ hoàn toàn không tưởng tượng đến.
5. Amor fati - yêu lấy định mệnh của bạn
Khi toàn bộ khuôn viên nghiên cứu và sản xuất của Thomas Edison bị đốt cháy, ông đã không tức giận hay chán nản. Thay vào đó, ông càng trở nên tràn đầy sinh lực và hăng hái. Chỉ trong vòng ba tuần, nhà máy đã được phục hồi phần nào và có thể tiếp tục hoạt động, tất cả vì Edison đã thực hiện những gì mà người Stoic cổ gọi là Amor fati, yêu lấy định mệnh của mình.
Trong cuộc sống thực tại, chúng ta có thể học theo gương Edison khi chúng ta bị mất nhà đầu tư hay một nhân viên bất ngờ bỏ việc ở startup của chúng ta. Lấy một ví dụ, khi Jack Dorsey bị thay thế khỏi chức CEO của Twitter, ông đã không bị tê liệt hay chán nản. Ông chấp nhận nó và thành lập ra Square, một trong những công ty khởi nghiệp thanh toán điện tử lớn nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ những giọt nước mắt, tức giận hay sự tuyệt vọng. Chúng ta sẽ chỉ nhận được khi chúng ta có đủ năng lượng và đam mê.