Làm kế toán có thể chuyển sang nghề nhân sự?
31/05/2020 21:41:08

Làm kế toán có thể chuyển sang nghề nhân sự?

Có 1 bạn nữ hỏi giảng viên của HR Training như sau:

Em học kế toán và hiện tại em vẫn làm kế toán nhưng em đã ý định bỏ nghề 2 năm nay mà chưa thay đổi được công việc. Khi đi phỏng vấn em luôn bị 1 câu hỏi: “Tại sao em lại muốn chuyển qua nghề nhân sự trong khi không có kinh nghiệm”. Chị có thể giúp em câu trả lời gây thuyết phục nhà tuyển dụng không ạ? Em cảm ơn!

 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến HR Training để chúng tôi có cơ hội được chia sẻ với những bạn có cùng mong muốn tìm câu trả lời như bạn.

 

Bạn thân mến!

Bạn hãy trả lời thật rõ ràng và thuyết phục 2 ý sau:

Một là: Bạn yêu thích/ đam mê nghề nhân sự

Hai là: Bạn có thể làm tốt công việc này

 

Với 1 người đã học và làm nghề kế toán nhiều năm và có ý định chuyển sang nghề nhân sự 2 năm nay thì tôi tin bạn có thể trả lời một cách đầy thuyết phục ý đầu tiên.

Còn ý thứ 2, tôi xin lưu ý bạn 1 số việc cần làm trước khi thuyết phục nhà tuyển dụng

  • Bạn hãy nghiên cứu thật kỹ Thông tin tuyển dụng của nhà tuyển dụng, đặc biệt là phần “Yêu cầu công việc”. Ở đây bạn sẽ định hình được CHÂN DUNG của một ứng viên tiềm năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Khi để ý kỹ bạn sẽ nhận thấy chân dung này gồm 3 phần là Thái độ, Kiến thức và Kỹ năng (ASK). Ngoài ra, bạn hãy phán đoán về mức độ quan trọng của từng yêu cầu trong thông tin tuyển dụng nhé! Nó rất quan trọng đấy.

  • Căn cứ vào “Yêu cầu công việc” trên Thông tin tuyển dụng và sự phán đoán về mức độ quan trọng của từng yêu cầu, bạn hãy tự tạo 1 Phiếu đánh giá ứng viên, trong đó được trình bày làm 2 phần, phần “Tiêu chuẩn tuyển dụng” và phần “Đánh giá, cho điểm ứng viên”. Lúc này, bạn hãy tự đánh giá, cho điểm bản thân 1 cách trung thực nhé!

  • Với những tiêu chuẩn mà mức độ đáp ứng của bạn còn thấp, bạn hãy ngay lập tức bắt tay vào công cuộc bổ sung cấp tốc những gì còn thiếu.

Nếu bạn chưa am hiểu về pháp luật lao động chẳng hạn, bạn hãy tìm hiểu ngay về pháp luật lao động, có thể thông qua các website chuyên về luật hoặc vào các diễn đàn để đọc các câu hỏi và câu trả lời trước đó hoặc găp gỡ với những người bạn đang làm nghề nhân sự.

Bạn cũng có thể tham gia 1 khóa học nhân sự thiên về thực hành để nhận được sự hướng dẫn của những người vừa có kinh nghiệm vừa có năng lực sư phạm nhé!

  • Bạn hãy thể hiện khả năng học hỏi nhanh của bạn như thế nào trước nhà tuyển dụng vì đó là yêu cầu cực kỳ quan trọng, cho dù nhà tuyển dụng có trình bày trên Thông tin tuyển dụng hay không. Việc bạn đã bổ sung những gì mình còn thiếu trong thời gian rất ngắn chính là 1 bằng chứng của bạn đấy.
  • Bạn hãy tìm hiểu thật nhiều về doanh nghiệp bạn đang ứng tuyển, không đơn thuần chỉ đọc Thông tin tuyển dụng. Nhà tuyển dụng nào cũng rất muốn nghe người khác nói về doanh nghiệp của mình, cả những ưu điểm và cả những gì mà họ nên khắc phục trong tương lai.

 

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Chúc bạn sẽ được nhà tuyển dụng ghi nhiều điểm trong “Phiếu đánh giá ứng viên” nhé!

 

 

 

Phùng Thị Luyến

Để lại bình luận

Đào tạo thực hành nghề nhân sự