Trợ cấp thôi việc là một trong những khoản mà người lao động được nhận khi nghỉ việc. Vậy, điều kiện hưởng là gì? Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc? Tiền lương làm căn cứ tính? Mức trợ cấp thôi việc là bao nhiêu và trợ cấp thôi việc được hạch toán như thế nào?
Dưới đây là tất tần tật những gì cần biết về trợ cấp thôi việc:
1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc: Người lao động đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau:
- Người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp sau:
+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động (vì lúc này người lao động được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ).
+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
+ Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
+Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật (theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật lao động 2012).
+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật (theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật lao động); người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: Là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trong đó:
- Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ phép năm, nghỉ lễ tết, nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.
Ví dụ: Người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người lao động từ ngày 01/05/2001 đến ngày 01/08/2019 thì nghỉ việc. Thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là từ 01/01/2009 đến 01/08/2019. Suốt thời gian làm việc, người sử dụng lao động chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động lần nào.
Vậy, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động là từ ngày 01/05/2001 đến ngày 01/01/2009, tổng cộng là đủ 92 tháng, quy ra năm hưởng trợ cấp thôi việc là 8 năm (7 năm 8 tháng làm tròn thành 8 năm).
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: Là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định: “Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm”
Theo đó, các khoản tính trợ cấp thôi việc gồm:
- Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. (Khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH);
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ (Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH);
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương (Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).
Cụ thể hơn, các khoản tính trợ cấp thôi việc gồm:
- Mức lương;
- Phụ cấp chức vụ, chức danh;
- Phụ cấp trách nhiệm;
- Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Phụ cấp thâm niên;
- Phụ cấp khu vực;
- Phụ cấp lưu động;
- Phụ cấp thu hút;
- Các phụ cấp có tính chất tương tự;
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ghi chú: Các khoản không tính trợ cấp thôi việc gồm:
- Tiền thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tiền thưởng này phải được quy định trong quy chế thưởng.
- Tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca (không quá 730.000/tháng);
- Khoản hỗ trợ xăng xe;
- Khoản hỗ trợ điện thoại;
- Khoản hỗ trợ đi lại;
- Khoản hỗ trợ tiền nhà ở;
- Khoản hỗ trợ tiền giữ trẻ;
- Khoản hỗ trợ nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết;
- Hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn;
- Hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động;
- Trợ cấp khi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động;
- Trợ cấp khi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp;
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
4. Mức trợ cấp thôi việc: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Ví dụ:
Tiền lương bình quan của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là: 10,000,000 đồng
Số năm hưởng trợ cấp thôi việc là: 8 năm
Vậy mức trợ cấp thôi việc là: (8 x 10,000,000)/2 = 40,000,000 đồng
5. Hạch toán trợ cấp thôi việc: Hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động
Phùng Thị Luyến